Vì sao bệnh nhân tiểu đường nên tập thể dục?
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC), nếu bạn bị tiểu đường, tích cực tập thể dục sẽ khiến cơ thể bạn nhạy cảm hơn với insulin (hormone cho phép các tế bào trong cơ thể bạn sử dụng đường trong máu để tạo năng lượng).
Hoạt động thể chất cũng giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tổn thương thần kinh.
Ngoài ra theo trang Diabetes UK, khi vận động tích cực còn giúp những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cải thiện HbA1c của họ.
Thể dục, thể thao còn có thể giúp những người mắc tiểu đường quản lí được huyết áp của mình, vì huyết áp cao có nghĩa là có nhiều nguy cơ bị biến chứng tiểu đường.
Bên cạnh đó tích cực tập thể dục còn giúp cải thiện cholesterol (mỡ trong máu) để giúp bảo vệ chống lại các vấn đề như bệnh tim, giúp bạn giảm cân nếu cần và giữ nguyên cân nặng sau khi bạn đã giảm cân.
Người bệnh còn có thể giải phóng endorphin, thứ mà bạn có thể coi là hormone hạnh phúc. Hoạt động tích cực được chứng minh là làm giảm mức độ căng thẳng và cải thiện tâm trạng thấp.
Theo US CDC, người bị tiểu đường có thể thiết lập mục tiêu dành ít nhất 150 phút mỗi tuần (tương đương 30 phút mỗi ngày) cho hoạt động thể chất cường độ vừa phải.
Các hoạt động thể chất cường độ vừa phải bao gồm: đi bộ nhanh, làm việc nhà, cắt cỏ, khiêu vũ, bơi lội, đi xe đạp,….
Ngoài ra, vào 2 ngày trở lên mỗi tuần, hãy tập những bài bao gồm các hoạt động tác động đến tất cả các nhóm cơ chính (chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai và cánh tay).
Tuy nhiên không có một loại hoạt động nào, hay một bài tập cụ thể nào là tốt nhất cho tất cả những người mắc bệnh tiểu đường. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều thứ, chẳng hạn như sở thích của bạn là gì, bạn đang ở đâu và bạn có bao nhiêu thời gian.
Nói chung, tốt nhất bạn nên thử và thực hiện kết hợp nhiều loại hoạt động khác nhau. Ví dụ, bơi lội có thể khiến bạn thở khó khăn hơn và tăng nhịp tim.
Nhưng điều này tốt cho sức khỏe tim mạch của bạn vì tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Khi bạn mắc bệnh tiểu đường, việc giữ cho trái tim khỏe mạnh thậm chí còn quan trọng hơn vì bạn có nhiều nguy cơ bị biến chứng, bao gồm cả bệnh tim.
Theo Harvard Health Publishing, thời gian tốt nhất để tập thể dục là một đến ba giờ sau khi ăn, khi lượng đường trong máu của bạn có thể cao hơn.
Nếu bạn sử dụng insulin, điều quan trọng là phải kiểm tra lượng đường trong máu trước khi tập thể dục. Nếu mức trước khi tập thể dục dưới 100 mg/dL, ăn một miếng trái cây hoặc ăn nhẹ sẽ tăng cường và giúp bạn tránh hạ đường huyết.
Kiểm tra lại sau 30 phút tập thể dục sẽ cho biết lượng đường trong máu của bạn có ổn định hay không. Bạn cũng nên kiểm tra lượng đường trong máu sau hoạt động hoặc tập luyện đặc biệt mệt mỏi.
Nếu bạn đang dùng insulin, nguy cơ hạ đường huyết của bạn có thể cao nhất từ 6 đến 12 giờ sau khi tập thể dục.
Các chuyên gia cảnh báo không nên tập thể dục nếu lượng đường trong máu của bạn quá cao (trên 250), bởi vì tập thể dục đôi khi có thể làm tăng lượng đường trong máu cao hơn nữa.
US CDC đưa ra một số lời khuyên trước khi bắt đầu tập thể dục như:
Uống nhiều nước trong khi hoạt động thể chất để ngăn ngừa tình trạng mất nước (sự mất nước có hại trong cơ thể).
Đảm bảo kiểm tra lượng đường trong máu của bạn trước khi tập thể dục, đặc biệt nếu bạn dùng insulin.
Khi bạn tập thể dục, hãy mang vớ cotton và giày thể thao vừa vặn và thoải mái.
Sau khi tập thể dục, hãy kiểm tra xem tập thể dục đã ảnh hưởng đến mức đường huyết của bạn như thế nào.
Ngoài ra bạn cũng hãy kiểm tra bàn chân của bạn xem có vết loét, phồng rộp, kích ứng, vết cắt hoặc vết thương nào khác không. Hãy liên hệ hoặc đi khám bác sĩ ngay nếu vết thương không bắt đầu lành sau 2 ngày.
Tuy nhiên US CDC cũng khuyên rằng, trước khi bắt đầu bất kì hoạt động thể chất nào, bạn hãy trao đổi với bác sĩ về các hoạt động thể chất tốt nhất cho bạn. Hãy chắc chắn thảo luận về những hoạt động bạn thích, cách chuẩn bị và những gì bạn nên tránh